Tôi không bận tâm mấy chuyện vớ vẩn này. Đồ cổ đó mà, chỉ cần bước vào một cửa hàng đồ cổ ngắm nhìn một vòng là đủ. Tại sao phải mua về nhà làm gì? Dù sao thì cũng đâu mua hết được. Mấy cửa hàng đồ cổ, họ bày ra đủ mọi thứ đồ cổ mà mình muốn nhìn. Nếu một tiệm không đủ, thì đi qua tiệm kế bên. Quý vị sẽ thấy mọi thứ. Lúc nào muốn nhìn, thì cứ đến cửa tiệm mà nhìn. Và nếu chưa đủ, thì đến mấy chỗ bán đấu giá, ở đó họ bán nhiều món hiếm hơn nữa. Thế là quý vị có thể thấy mọi thứ. Đồ cổ. Và mỗi món đồ cổ mà ông mua, ông đều trân quý, cứ nhìn ngắm hoài, rồi đặt ở nơi mắt ông dễ nhìn thấy nhất. Có một vài món để trang trí thì cũng được, nhưng đừng vì thế mà hy sinh bản thân.
Ông ở trong căn phòng nhỏ hơn giữa thành phố chỉ vì không đủ tiền thuê phòng lớn hơn, do ông muốn mua đồ cổ. Và tất cả những thứ khác. Ông cũng tiêu khá nhiều tiền để mua mấy thứ khác. Chẳng hạn, trước khi chúng tôi đính hôn, trước đó, chúng tôi chỉ quen biết nhau và ông có vẻ rất quý mến tôi, hoặc yêu hay bất cứ kiểu nói gì, tôi không biết. Ông cho tôi xem mấy cái hộp lớn, hộp gỗ và hộp sắt, đều là những hộp đồ cổ, cũng lại là đồ cổ, đồ cổ thật. Khi ông mở ra, ở bên trong, toàn là nữ trang cổ, nữ trang cổ – rất đẹp, được chạm khắc tinh xảo, từng thuộc về mẹ ông. Và ông nói: “Tất cả đều là của Em”. Chúng rất đắt tiền, nhưng không đẹp lắm. Gu của tôi thì khác.
Có một vài món đã bị đen theo thời gian. Và một số được chạm khắc rất đẹp, nhưng quá rườm rà, và trông quá cổ đối với tôi. Tôi không thích đeo những thứ đã từng được người khác đeo hàng ngàn lần rồi. Tôi không biết đã có bao nhiêu người đeo qua chúng vì chúng là đồ cổ. Tôi đâu biết người đeo là ai, (Dạ đúng.) cô ấy là người thế nào và đã làm gì để có được mấy thứ này. Tôi không muốn treo những thứ đó lên người mình.
Tôi không hề bị cám dỗ chút nào. Ngay cả hồi còn nhỏ, tôi cũng chưa bao giờ bị nữ trang cám dỗ. Khi đeo vào tôi cảm thấy nặng nề. Thành ra tôi thậm chí không có cả đồng hồ đeo tay. Tai tôi có xỏ lỗ, nhưng tôi chẳng bao giờ đeo gì hết. Đôi khi tôi có đeo, chỉ khoảng nửa tiếng hoặc hai tiếng, rồi tôi về nhà là lập tức tháo ra, vứt xuống. Có mấy lỗ khuyên tai này, là do lúc nhỏ, ai cũng “xỏ” tai hết. Người ta đưa tôi một dụng cụ để tự xỏ tai, và tôi ngu ngốc đến mức làm theo. Lúc đó tôi đâu có biết là sẽ có sẹo cả đời. Nhưng thôi kệ. Ít nhất thì cũng cho thấy rằng tôi là phụ nữ. Để nhắc nhở quý vị rằng sau khi khai ngộ tôi không đổi giới tính. Được chứ? Đừng có ảo tưởng nữa.
Giờ, mình còn muốn nói gì nữa? Còn gì nữa với đồ cổ không? Tôi chưa bao giờ mê nữ trang hay mấy thứ như vậy. Tôi thích cái gì đẹp, sạch sẽ và dễ thương, vừa đủ là được, không cần mấy thứ này. Hồi trẻ, đất nước tôi có chiến tranh. Quý vị biết chuyện đó. Chiến tranh, và có lính Mỹ ở đó, mọi thứ đều loạn lạc vì chiến sự. Cho nên mẹ tôi rất lo lắng – cha mẹ tôi rất lo – rằng lỡ như chúng tôi bị lạc, bị tách rời khỏi cha mẹ, thì tôi vẫn còn thứ gì đó để sống tạm một thời gian. Nên, mẹ đã trang bị cho tôi đôi bông tai, vài chiếc nhẫn, và vòng cổ – đủ thứ, rất nhiều thứ, toàn là vàng dày đặc, đại loại vậy. Ngoài ra, mẹ còn chỉ cho tôi chỗ cất vàng của gia đình. Mẹ nói: “Đây là cái hộp vàng, bên trong toàn là vàng”. Để lỡ có chuyện gì xảy ra với ba mẹ, thì tôi nên biết.
Và trên người tôi, lúc nào cũng phải đeo thật nhiều vàng v.v., phòng khi có chuyện gì xảy ra bị thất lạc ba mẹ, bởi vì tôi thường phải đi học xa nhà. Ba mẹ tôi sống ở miền trung, còn tôi thì được gửi đến thủ đô để học, do đó... và cả những nơi có trường học tốt hơn. Vì vậy, mẹ luôn trang bị cho tôi đủ loại “nội thất”, nội thất cơ thể, sáng bóng và nặng nề. Và quý vị biết tôi đã làm gì với chúng không? Tôi luôn đem bán hết và mời bạn bè đi ăn tối. Cho nên, mỗi lần về nhà, vì thường phải rất lâu mới có dịp về nhà thăm ba mẹ – đôi lúc vào dịp nghỉ hè, có khi chỉ hai lần một năm, không thường xuyên, – nên tôi quên mất là mẹ tôi sẽ hỏi. Tôi không nghĩ đến hậu quả, là mẹ sẽ nhận ra tôi không có đeo gì trên người. Tôi quên mất điều đó.
Một người còn sống mà. Nên, tôi đã bán sạch tất cả rồi mời bạn bè đi ăn, đi uống cà phê và mấy chuyện như thế Tôi lúc nào cũng rất rộng rãi. Tôi quen sống rộng rãi, mặc dù không phải lúc nào cũng là tiền của mình. Với chi phí của mẹ tôi, tôi quên mất điều đó. Hồi còn nhỏ, tôi không biết được nhiều. Tôi dùng tiền thoải mái vì tôi đâu có nhiều. Quý vị biết rồi, trẻ con mà. Lúc đó tôi không còn bé. Tôi đã hơn mười tuổi, ở tuổi thiếu nữ. Vậy đó, tôi đã làm vậy. Có lúc khi về đến nhà, bấy giờ tôi mới nhận ra, tôi sẽ nói gì với mẹ đây? Bởi vì mẹ sẽ hỏi. Và mẹ đã hỏi, tôi liền trả lời: “Dạ, nó không còn nữa rồi. Chắc là đã ở đâu đó”. Đã biến mất đâu đó!
Khi mẹ tôi thấy vậy, dĩ nhiên là với tình thương của người mẹ, mẹ lại cho tôi lần nữa. Lại trang bị cho tôi với đủ thứ “nội thất” lần nữa. Bấy giờ tôi lại lấp lánh, lóng lánh và giàu có, lại phóng ra ngoài bằng chiếc xe máy Honda của mình. Rồi vài tháng sau, khi có bạn bè ghé chơi, bạn học cùng lớp hay ai đó, họ mở tiệc hoặc muốn ăn món gì đó mà không có tiền, thế rồi nó lại biến mất. Và người mẹ rộng lượng của tôi lại tiếp tục trang bị lần nữa. Cho nên, lúc nhỏ, tôi cũng được nuông chiều khá nhiều. Nhưng dù được nuông chiều, tôi vẫn siêng năng, có lẽ là do bản tánh. Tôi cố gắng làm việc và giúp những việc trong nhà, công việc gia đình v.v. Tôi tự giặt ủi quần áo của mình, mặc dù trong nhà chúng tôi có người giúp việc, ở bất cứ nơi nào chúng tôi sống. Là như vậy đó. Có lẽ, tôi nghĩ, là do tính cách. Là do tính cách. Tính cách. Không phải lúc nào cũng do giáo dục.
Mẹ tôi là một tấm gương rất tốt cho tôi. Mẹ làm việc rất chăm chỉ, và rất tiết kiệm. Tôi nhớ, mẹ bán vải may quần áo, nhưng chính mẹ lại mặc quần áo vá. Mẹ là một phụ nữ rất giản dị, làm việc vất vả vì gia đình, nhưng cho bản thân thoải mái thì không. Mẹ làm việc rất vất vả, nhưng hy sinh mọi thứ cho chúng tôi. Bây giờ tôi trân quý điều đó hơn. Chắc là tôi học được từ những điều đó. Mẹ tôi không bao giờ có ngày nghỉ, ngoại trừ khi bà phải đi thăm con ở nơi khác, con đã kết hôn hoặc đi học ở đâu đó. Thì bà sẽ nghỉ vài ngày hoặc mười ngày. Nhưng ngày đêm mẹ tôi làm việc rất vất vả. Mẹ là nhân viên bán hàng, kế toán, thủ quỹ, luật sư và quản lý cho chính mình, mọi thứ. Mẹ làm mọi thứ một mình, doanh nghiệp có một người làm thôi.
Ba tôi kiếm tiền, nhưng ông chi nhiều hơn số tiền kiếm được, quý vị biết đó, với bạn bè. Tôi học được sự rộng rãi từ ba và đức tính chăm chỉ từ mẹ. Ừ. Là như vậy đó. Bây giờ nghĩ lại, ông ấy lúc nào cũng rộng lượng quá mức. Nhà chúng tôi luôn đông đúc vì bạn bè của ba tôi. Trà, cà phê và bữa tối, bữa trưa và đủ thứ. Và ông luôn giúp đỡ bạn bè và cố gắng làm vui lòng họ, thậm chí chơi bài với họ để làm họ vui lòng, bằng chi phí của mẹ tôi. Và mẹ tôi, đôi khi bà khóc vì bà không thích điều đó. Cho họ ăn trưa thì được, nhưng chơi bài thì không. Bà không thích. Và một số người bạn nữ xinh đẹp của ba tôi đôi khi không muốn về. Và đó cũng là điều khiến mẹ tôi bị tổn thương. Không phải vì tính hào phóng của ông. Mà là việc chia sẻ tài sản vô hình khiến bà lo lắng.
Vì vậy, tôi nghĩ mẹ tôi là một người phụ nữ xinh đẹp, tuyệt vời. Thảo nào bà có những thể nghiệm tốt như vậy. Trước khi bà biết rằng tôi là người gọi là Phật Sống, chỉ nghĩ tới tôi thôi, bà đã có nhiều thể nghiệm nội tại. Có lần bà mơ thấy tôi về nhà vào ban đêm, và ngôi nhà đầy Ánh Sáng. Thân thể tôi cũng đầy Ánh Sáng. Vì vậy, buổi sáng bà thức dậy, gọi cả nhà và nói: “Ồ, Con Gái chắc hẳn đã thành Phật rồi, vì đêm qua tôi thấy Con Gái đầy Ánh Sáng, về nhà và gia trì cho tôi v.v., và sáng nay tôi cảm thấy thật tuyệt vời”, và nói suốt. Thế là mọi người bái lạy cái ghế mà tôi từng ngồi. Đó là trước khi mẹ tôi biết tôi đang ở đâu.
Tôi hầu như không liên lạc. Tôi không biết cách viết dạng thư gia đình này. Mình viết gì đây? “Ba mẹ khỏe không?” Tôi không thể nói “Con nhớ ba mẹ” vì giờ cảm giác đó đã hết rồi. Ý tôi là, tôi đã vượt qua được giai đoạn nhớ nhung. Tôi đã từng nhớ họ khi tôi mới xa họ, nhưng sau một thời gian, mình quen với điều đó. Và tôi không thể nói rằng tôi nhớ họ nữa. Đó là nói dối. Rồi tôi sẽ nói gì? “Con thương ba mẹ”? Chuyện đó chúng ta đều biết. Tại sao phải nói về những điều mà chúng ta biết rồi? Cả hai đều biết. Nhưng tôi biết nói gì khác đây? “Con học ở đây, con làm việc ở đây, con kiếm tiền”, và điều đó mình chỉ có thể nói trong một lá thư, chứ đâu thể cứ nói hoài trong nhiều lá thư. Vì vậy, tôi không biết viết thư làm sao. Cho nên tôi hầu như không liên lạc. Thỉnh thoảng họ có viết thư, nhưng không thường xuyên lắm. Vì vậy, vào giai đoạn cuối khi tôi ở trên Hy Mã Lạp Sơn và họ không biết tôi ở đâu. Và tôi trở thành một thiền sư nổi tiếng, họ cũng không biết. Không người thân nào của tôi biết. Và mẹ tôi nhìn thấy tôi về nhà như vậy, đó là do đức hạnh của chính bà. Không phải từ tôi.
Đó là lý do chỉ gần đây, năm ngoái, người thân của tôi ở Mỹ đây mới biết về tôi. Và không phải từ tôi, mà là từ bạn bè của họ. Và sau đó họ gọi điện cho tôi, hỏi: “Ồ, em ơi, em thành Phật rồi sao? Sao em không nói cho chúng tôi biết?” Ờ, đại khái vậy. Mấy anh chị em họ của chúng tôi, họ mới biết vào năm ngoái. Và cháu gái, cháu trai của tôi vừa mới gặp tôi ngày hôm qua, sau 25 năm. Và tất cả họ 25 năm rồi chưa gặp tôi. Và tôi cũng chưa gặp ba mẹ tôi một thời gian dài. Cho nên không phải vì tôi cho họ biết về tôi mà mẹ tôi nhìn thấy tôi. Đó là nhờ đức hạnh của bà.
Mẹ tôi là một người đức hạnh. Bà rất chung thủy với cha tôi. Mặc dù cha tôi có hơi hào hoa một chút. Tôi biết mẹ tôi, bà sẽ không bao giờ lạc lối. Bà luôn rất đức hạnh, rất chung thủy và cả đời hy sinh cho gia đình. Tôi đoán chính điều đó đã khiến bà có được thể nghiệm đó mà bà thấy trong giấc mơ. Và bây giờ, bà thấy tôi mỗi ngày, bà nói trong thư như vậy. Và bà còn làm thơ tặng tôi nữa chứ. Tôi không thể tin đây là mẹ tôi vì bà chưa bao giờ làm thơ trước đây. Và thơ rất là hay.